LỜI GIỚI THIỆU
Trên bậc thang tiến hóa của lịch sử loài người, một trong những thước đo giá trị nền văn minh của mỗi dân tộc là việc sáng tạo ra lịch pháp. Lịch pháp ra đời là sự phản ánh tư duy, trí tuệ của con người đã phát triển đến một trình độ cao nhất về toán học và thiên văn học.
Từ việc quan sát phát hiện ra các quy luật tuần hoàn của tự nhiên về 4 mùa: Xuân – Hạ –Thu – Đông, cùng các quy luật về thời tiết, khí hậu và việc định ra các đơn vị đo thời gian như: Kỷ, Thiên nhiên Kỷ, Hội, Thế kỷ, Năm, Quý, Tháng, Giáp, Chương, Hậu, Ngày, Thứ, Giờ, Tuần lễ… cũng như cách giải các bài toán để tính toán từng loại lịch là biểu tượng thăng hoa của trí tuệ con người. Con người tìm ra các công thức tính toán về từng loại như: Âm lịch, Dương lịch, Âm –Dương lịch, Lịch Can - Chi, Lịch Sao < NhịThập Bát Tú – 28 Chòm Sao >, Lịch Bát quái, Lịch vật hậu… là cả một quá trình tiến hóa phát sinh và phát triển gắn liền với sự tiến bộ của nền văn hóa, văn minh nhân loại. Trong quá trình tiến hóa ấy, nhiều dân tộc trên Thế giới đã phát minh ra những loại lịch khác nhau rất đa dạng, phong phú về nội dung và các quy tắc tính toán.
Song dù đa dạng về nhiều loại lịch, nhưng cuối cùng các Quốc gia trên Thế giới vì những lý do và mục đích chung đã đi đến sử dụng một loại lịch tương đối thống nhất có tính phổ biến toàn cầu là: Dương lịch. Người ta đã lấy một năm Dương lịch có 365 1/4 ngày (năm nhuận có 366 ngày) phân ra 12 tháng chia làm 4 quý, có 7 tháng 31 ngày, 4 tháng có 30 ngày, Tháng 2 có 28 ngày (năm nhuận có 29 ngày) và ngày trong tháng chia thành các thứ, tuần lễ. Một tuần có 7 ngày.
Song song với việc sử dụng Dương lịch, nhiều nước ở phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc còn sử dụng Âm lịch, Âm –Dương lịch, Lịch theo hệ đếm Can – Chi, Lịch Sao (28 Chòm Sao), Lịch Vật hậu, Lịch Bát quái. Đó là những loại lịch được dùng phổ biến trong đời sống thường nhật của xã hội.
Bởi thế, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về các loại lịch, nên trong gần nửa Thế kỷ qua, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin đã liên tục cho ra mắt độc giả nhiều công trình về lịch. Trong đó có cuốn: Lịch thế kỷ XX, mà giá trị tra cứu, sử dụng hàng ngày của nó đã kết thúc vào ngày cuối cùng của năm 2000 – khi mà nhân loại bước sang Thế kỷ XXI.
Để tiếp nối và giúp độc giả có “Công cụ tra cứu”, tham khảo, chuyển đổi nhiều loại lịch, Nhà xuất bản Văn hóa –Thông tin lần này lại cho ra đời cuốn Lịch vạn niên thực dụng (1898 –2018). Nội dung tập sách được chia thành 4 chương:
Chương I: Lịch, nguồn gốc các loại lịch trên Thế giới và đại cương về lịch.
Chương II: Lịch vạn niên (1898 – 2018).
Chương III: Bát quái và Lịch vạn niên Bát Quái.
Chương IV: Lịch phương Đông trong đời sống thường nhật và sự gặp gỡ giữa hai nền khoa học Đông – Tây phương.
Đây là cuốn sách lịch có thể giúp độc giả tìm hiểu được những vấn đề khái quát, cơ bản có tính hệ thống về lịch sử, nguồn gốc ra đời của các loại lịch trên thế giới. Phần lịch vạn niên có thể giúp bạn đọc tra cứu, chuyển đổi giữa nhiều loại lịch với nhau: từ Dương lịch ra Âm lịch (tháng, ngày, giờ, tiết) và ngược lại, rồi Dương lịch, Âm lịch ra Lịch Can – Chi, Lịch Sao (Nhị Thập Bát Tú) trong vòng hai lục thập hoa giáp (120 năm). Chương Lịch vạn niên Bát Quái là phần mới mẻ, lần đầu tiên được biên dịch, biên soạn phổ cập trong “họ hàng nhà lịch” của Việt Nam.
Chắc hẳn độc giả sẽ tìm được nhiều điều bổ ích hữu dụng từ loại lịch này. Đăc biệt phần Lịch phương Đông đó là chương hấp dẫn, lý thú cho nhiều tầng lớp độc giả do giá trị thông dụng của nó về nhiều loại lịch. Chẳng hạn trong đó có phần Lịch vật hậu và 24 Tiết khí rất bổ ích với nhà nông; Lịch Sao (28 Chòm Sao –Nhị Thập Bát Tú), Lịch Can – Chi cũng là những loại lịch rất thông dụng trong đời sống thường nhật của con người. Ngay từ thời xa xưa, trong nền văn hóa cổ truyền phương Đông người ta đã biết vận dụng quy luật Âm– Dương – Ngũ hành, sinh, khắc, để áp dụng trong từng loại lịch và ứng dụng vào những việc đại sự của đời người.
Tóm lại, Lịch vạn niên thực dụng (1898 –2018) là cuốn lịch tham khảo có thể giúp độc giả tìm hiểu, tra cứu, ứng dụng được nhiều loại lịch trong đời sống hàng ngày một cách hữu ích và tiện lợi. Lịch vạn niên thực dụng (1898 - 2018) sau khi được xuất bản lần đầu, Nhà xuất bản rất vui mừng đã nhận được nhiều thư từ, điện thoại trao đổi, góp ý của đông đảo độc giả trong cả nước gửi về. Và đặc biệt là dư luận thông tin đại chúng: đài, báo, vô tuyến truyền hình Trung ương, địa phương đã kịp thời cổ vũ, khích lệ, chúng tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm mến mộ, giúp đỡ ấy. Thể theo yêu cầu của độc giả, Nhà xuất bản đã cho sửa chữa những trang còn thiếu sót trong lần xuất bản đầu và bổ sung những phần cần thiết nhằm giúp cho bạn đọc tiện dụng tra cứu. Cụ thể là : Chú giải những khác nhau giữa lịch Việt Nam – Trung Quốc (Tháng đủ, Tháng thiếu, Tiết khí, Tết nguyên Đán…) ngay dưới mỗi năm lịch của 110 năm (1900– 2010); những năm còn lại đến 2018, chúng tôi sẽ bổ sung chú giải (sau khi Ban lịch Nhà nước công bố Lịch pháp định Việt Nam Thế kỷ XXI ). Đồng thời chúng tôi vẫn giữ lại phụ lục tổng hợp này để tiện cho việc so sánh và nhìn tổng thể hàng trăm năm một cách hệ thống hơn. Cũng trong phần phụ lục cuối sách, chúng tôi còn bổ sung thêm số liệu tham khảo các mục Bảng đối chiếu ngày đầu tháng Âm lịch với ngày của tháng Dương lịch (từ năm 2001 đến 2020); Ngày Sóc 20 năm đầu Thế kỷ XXI; Bảng đối chiếu năm Âm - Dương lịch thế kỷ XXI; Năm nhuận trong lịch Âm - Dương Thế kỷ XXI; Đặc điểm Lịch Âm - Dương 20 năm đầu Thế kỷ XXI. Ngoài ra ở Chương I, chúng tôi có sửa chữa và thay thế gần 20 trang bổ sung với nội dung về: Lịch, nguồn gốc các loại lịch trên thế giới và đại cương về lịch, cùng một số bảng như: Lịch Thời tiết Khí hậu năm 2001 của Việt Nam; Bảng ngày Mặt trời đi qua Thiên đỉnh; Bảng cận Nhật, viễn Nhật; BảngMặt trời mọc, lặn (theo giờ pháp định Việt Nam); Lịch pha Mặt trăng; Lịch tuần lễ năm 2001.
Lần in này trong Chương IV, chúng tôi có lược bỏ phần lớn những trang không cần thiết và bổ sung vào đó nhiều phần thiết thực của kiến thức thiên văn, quan niệm triết học nhân sinh và dự báo học dân gian truyền thống của hai nền khoa học Đông phương và Tây Phương để bạn đọc tiện tham khảo đặng rút ra những điều hữu dụng và loại bỏ các điều mê tín, dị đoan, xây dựng thế giới quan khoa học Macxít.
Xin cám ơn sự giúp đỡ, cộng tác của Thạc sỹ Trịnh Tiến Điều và các nhà nghiên cứu lịch pháp : Nguyễn Phúc Giác Hải, Chu Văn Khánh và Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Văn Thang đã góp phần làm cho cuốn Lịch vạn niên thực dụng (1898 - 2018) ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn.
Một lần nữa Nhà xuất bản xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuốn Lịch vạn niên thực dụng (1898 - 2018). Cuốn này sẽ là người bạn đồng hành đi cùng thời gian của thế kỷ XXI nó sẽ “mách bảo” bạn đọc nhiều điều lý thú và bổ ích.
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA – THÔNG TIN NĂM 2002
LỜI TỰA
Ban lịch Nhà nước hoan nghênh Nhà xuất bản Vănhóa – Thông tin cho thẩm định trước khi xuất bản cuốn Lịch vạn niên thực dụng (1898 - 2018). Là cuốn sách làm tài liệu tham khảo, tra cứu dùng cho các nhà nghiên cứu và các độc giả quan tâm, yêu thích tìm hiểu thêm về lịch Á Đông, nhất là Lịch Âm - Dương cổ truyền Trung Quốc, rất gần gũi, thân thuộc với Lịch Âm - Dương Việt Nam.
Các dân tộc Á Đông sáng tạo ra nhiều loại lịch đã và đang tồn tại hàng ngàn năm, gắn liền với lịch sử văn minh nhân loại. Lịch Á Đông có yếu tố Thiên – Địa – Nhân trường tồn, phản ánh tư duy triết học phương Đông rất sâu sắc: Con người là Tiểu Vũ trụ trong Đại Vũ trụ bao la.
Vạn vật tồn tại trong Không – Thời gian bốn chiều, gồm ba chiều không gian và chiều thứ tư là thời gian. Lịch thuộc chiều thứ tư, là người bạn tri kỷ đồng hành với cuộc đời và sự nghiệp mỗi người, vớilịch sử hào hùng của mỗi dân tộc và gắn liền với cộng đồng Quốc tế.
Trí tuệ con người càng phát triển người ta càng quan tâm đến việc tìm hiểu về thời gian, nghiên cứu bản chất của thời gian, trong đó có thời gian lịch. Thời gian là phản ánh sự vận động của vật chất trong không gian. Thời gian lịch phản ánh vị trí Trái đất trong không gian Vũ trụ, trong Thái dương hệ của chúng ta, lấy Mặt trăng, Mặt trời làm chuẩn để tính lịch.
Bên cạnh thời gian lịch là thời gian đồng hồ như giờ, phút, giây, mili giây, nanô giây... Đó là thời gian chính xác, thời gian vi mô. Thời gian lịch là thời gian vĩ mô.
Thời gian lịch có Ngày, Tháng, Năm, Tuần, Quý, Giáp, Chương, Chu kỷ, Thế kỷ, Thiên niên kỷ. Một chương có 19 năm, bằng một chu kỳ Sarốt hay chu kỳ Mêtôn, ngày Âm lịch và Dương lịch gần trùng nhau, nhật nguyệt thực cũng theo chu kỳ này. Chu kỳ là 60 năm, vòng Can - Chi trở lại như cũ. Thế kỷ gồm đúng 100 năm. Thiên niên kỷ là 1000 năm. Thời đại chúng ta đang bước từ Thế kỷ 20 sang Thế kỷ 21, đồng thời cũng là thời điểm chuyển giao Thiên niên kỷ, từ Thiên niên kỷ thứ hai sang Thiên niên kỷ thứ ba, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1 Tháng 1 năm 2001. Cuốn lịch này chứa đựng các thời điểm trên.
Đơn vị cơ bản của Lịch là Ngày Mặt đất, tháng Mặt trăng, năm Mặt trời, trong đó có giờ pháp định của mỗi Quốc gia. Đơn vị thiên văn và thời gian Vũ trụ có thời gian Sao, tuần Trăng, năm Thời tiết, tháng Mặt trăng, năm Mặt trời… và ngày Sao, ngày Mặt trời trung bình.
Ngày Mặt đất là đơn vị cơ bản của lịch. Ngày lịch mới, có 24 giờ, tính từ 0 giờ đến hết 24 giờ. Ngày lịch Can– Chi có 12 giờ gọi là giờ cũ, bắt đầu từ 11 giờ đêm hôm trước đến hết 11 giờ đêm hôm sau, khởi đầu là giờ Tý, kết thúc là giờ Hợi. Ngày Mặt đất tính theo giờ Quốc gia theo hệ thống múi giờ Quốc tế (G.M.T). Giờ các nước khác nhau, nên ngày các nước khác nhau. Vì thế có đường đổi ngày. Ngày lịch khác nhau dẫn đến thời gian giao thừa khác nhau, ăn Tết khác nhau.
Tháng Mặt trăng tính theo chu kỳ sáng tối, Sóc, Huyền, Vọng, Hối của Mặt trăng. Mỗi tháng Mặt trăng có từ 29 ngày 7 giờ đến 29 ngày 19 giờ, tùy theo sự vận động thực của Mặt trăng quay quanh Trái đất và quay quanh Mặt trời.
Năm Thời tiết tính chủ yếu theo quỹ đạo Trái đất quay quanh Mặt trời, mỗi năm có 365,2422 ngày. Trong lịch lấy 365 hoặc 366 ngày là vì thế. Vị trí của mỗi nước khác nhau dẫn đến thời tiết, mùa vụ khác nhau. Tại thời điểm này, nơi này đang là ban ngày, thì nơi khác bên kia bán cầu lại là ban đêm; Bắc bán cầu đang vào mùa Hè nóng bỏng thì Nam bán cầu đang là mùa Đông lạnh giá.
Trái đất trong Thái dương hệ này chỉ có một Mặt trời, nhưng nơi này Mặt trời đang mọc thì nơi kia Mặt trời đang lặn. Trong lịch có Âm - Dương vì Trời Đất có Âm –Dương, trong mỗi người có Âm – Dương. Lịch Âm - Dương rất diệu kỳ, có cái bất biến trong cái khả biến. Trái đất chuyển động có chu kỳ, lịch Can – Chi, lịch Tiết khí, thời vận có chu kỳ. Triết lý Âm,Dương hài hòa nhận thức rằng trong Dương có Âm, trong Âm có Dương, Dương cực Âm sinh, Âm cực Dương sinh, Âm - Dương biến hóa khôn lường.
Lịch vạn niên Can – Chi là một loại lịch vĩnh cửu. Cứ 60 năm lại trở lại vòng Giáp Tý, 60 tháng lại trở lại vòng Can – Chi (tháng nhuận Âm được mang tên kép liền tháng trước); 60 ngày, 60 giờ trở lại tuần hoàn; nó có chu kỳ như thứ trong tuần lễ, tuần Trăng trong chu kỳ Sóc, Huyền, Vọng, Hối (xế).
Cuốn Lịch vạn niên thực dụng (1898 - 2018) này được xem ngày, giờ, Tháng, Năm, Chương, Kỷ trong vòng 121 năm (1898 – 2018) của lịch Âm - Dương Trung Quốc, gồm trọn hai vòng Mậu Tuất lẻ 1 lần (có 3 năm Mậu Tuất). Trong lịch tuy không chỉ ra công thức tính toán nhưng ghi đủ sự sắp xếp lịch rất chính xác và phù hợp với lịch pháp Âm - Dương Trung Quốc dùng cho hàng tỷ dân Trung Hoa sống khắp nơi trên các châu lục khác nhau.
Trong sách lịch này, có phần lịch Dương đối chiếu là lịch Gregorius, được giáo hội cải cách từ năm 1582, nay thành lịch công phổ dụng trên Thế giới. Trong lịch Dương có hai chu kỳ nhuận. Chu kỳ nhỏ là 4 năm nhuận 1 lần bằng cách thêm 1 ngày vào tháng 2 thành ra có 29 ngày.Năm thường tháng 2 chỉ có 28 ngày. Chu kỳ lớn là 400 năm chỉ có 79 năm nhuận, các năm chẵn trăm tuy chia hết cho 4 nhưng không chia hết cho 400đều không nhuận. Ví dụ: năm 1900 và 2100 không nhuận. Năm 2000 – năm cuối cùngcủa Thế kỷ XX là năm nhuận. Đó là luật nhuận 1/4 và 97/400 của Dương lịch. ViệtNam đã nghiên cứu và phát hiện ra quy luật nhuận mới có độ chính xác cao là 1211/5000 hoặc 2422/10000 cho lịch Dương vĩnh cửu, dùng hàng vạn năm sau không phải sửa lịch. Nhưng trong lịch Âm - Dương chúng ta dùng luật 7/19 gọi là thập cửu niên thất nhuận nghĩa là cứ 19 năm có 7 năm nhuận, mỗi năm nhuận là 1 tháng Mặt trăng làm cho năm nhuận thành 13 tháng.
Theo tính toán của Ban nghiên cứu vàQuản lý Lịch Nhà nước, thì Lịch Âm - Dương của chúng ta, trong Thế kỷ XXI có 37 năm nhuận. Năm nhuận sẽ đón Tết Nguyên Đán vào đầu hoặc vào giữa Tháng 2 lịch Dương. Điều đó có nghĩa là có năm Tết Nguyên Đán Việt Nam và Trung Quốc sẽ lệch nhau 1 ngày hoặc 1 tháng. Năm nào Tết ta rơi vào cuối tháng 1 Dương lịchthì năm ấy thường là năm nhuận và Tết sau rơi vào sau nửa Tháng 2, để Tiết Lập Xuân đến sớm hơn nửa tháng.
Chúng ta có năm nhuận, tháng nhuận, ngày nhuận. Do sự chính xác của thời gian, 30 năm gần đây người ta thường đo đạc và xác nhận được giây nhuận. Ngày nhuận, tháng nhuận, giây nhuận thường ở cuối cùng, lui sang phía sau thì “giờ nhuận” lại tiến về phía trước, Giờ Can – Chi tính từ 11 giờ đêm hôm trước đến 11 giờ đêm hôm sau. Ông cha ta đã tính ngày từ 11 giờ đêm khởi đầu một ngày Can – Chi là giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến Âm - Dương giờ sáng). Sự sắp xếp theo “lui và tiến” ấy linh động theo tư duy phương Đông. Đặc biệt ở Việt Nam có lịch Tre pheo của Mường Bi (Hòa Bình ) có ngày lui tháng tiến. Đầu tháng Âm lịch tính từ mùng 2 là ngày có Trăng non gọi là “ngày nội”, (ngày ngoại theo lịch quan). Tháng đầu năm là Tháng 22, đúng là khởi đầu tháng Tý, tiến 2 tháng. Mười hai tháng trong một năm bắt đầu là tháng: Tý (11), Sửu (12), Dần (1), Mão (2), Thìn (3), Tỵ (4), Ngọ (5), Mùi (6), Thân (7), Dậu (8 ), Tuất (9), Hợi (10), hay còn gọi là Tháng Một, Chạp, Giêng, Hai… Xưa kia, lịch Việt chỉ có 10 tháng, sau thêm 2 tháng: Chạp, Giêng vào giữa hai tháng Một và Hai, thành ra tên Một, Chạp, Giêng, Hai… như hiện nay. Trong lịch sử Thế giới, lịch Dương cũng thêm hai tháng để một năm từ 304 ngày lên 365 ngày.
Ngày bắt đầu từ giờ Tý (gọi là giờ Can – Chi, mỗi giờ Can – Chi bằng 2 giờ đồng hồ hiện hành). Khởi đầu năm cho một Giáp cũng là năm Tý.
Lịch Can – Chi đảm bảo trục đối xứng Tý – Ngọ.
Tý đầu năm, Ngọ giữa năm.
Tý đầu ngày, Ngọ giữa trưa. Tý nửa đêm, Ngọ nửa ngày.
Tháng Tý lạnh, tháng Ngọ nóng.
Giờ Tý mát, giờ Ngọ ấm.
Đông y dựa vào Can – Chi để điều trị bệnh tật, dùng thuốc bồi bổ sức khỏe cho con người… theo “Tý Ngọ lưu trú”. Bấm huyệt theo giờ, uống thuốc theo giờ, có Âm - Dương hàn nhiệt, giờ giấc huyệt mở đóng, theo từng đường kinh lạc trên cơ thể.
Cuốn Lịch vạn niên thực dụng (1898 - 2018) dùng phép cửu tinh (còn gọi là Chín sao) cho các tháng. Cửutinh là một thuật toán cổ, dựa trên Hà Đồ và Lạc thư của Dịch học, vừa gắn với năm hành tinh (ngũ hành) trong Thái dương hệ của chúng ta là: Kim, Mộc,Thủy, Hỏa, Thổ: vừa mang ý nghĩa mà sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen) và chỉ phương hướng ( Đông, Tây, Nam, Bắc) theo Ma phương sau:
Ma phương 3x3 của cửu tinh.
Đặc điểm của Ma phương trên là cộng hàng ngang, hàng dọc, đường chéo đều có tổng là 15*. Số 5 ở giữa cung (gọi là trung cung) gắn với vua, mang màu vàng, là số trung ương. (Xin nói thêm về nguồn gốc của câu ca xưa quan niệm kiêng số 5:
“ Mùng năm, mười bốn, hai ba;
Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn.”
14 và 23 đều có tổng 1 +4 = 2 + 3 = 5 và 3 ngày 5, 14, 23 cách nhau 9 đơn vị. Mùng 5 là ngày vua đi “thị sát dân gian” hay sách của Trung Hoa gọi là “Tuần thú”, dân không được phép ngẩng mặt nhìn trực diện long nhan, nếu ai vi phạm sẽ bị xử trảm (chặt đầu). Dân bảo nhau kiêng ra đường Thế kỷ ngày ấy, dần thành tục truyền, khi không còn vua nữa, theo tập quán xưa người ta vẫn cứ kiêng…)
Sau đây là bảng cửu tinh:
4. Xanh lục Mộc tinh | 9. Tím Hỏa tinh | 2. Đen Thổ tinh |
3. Xanh bích Mộc tinh | 5. Vàng Thổ tinh | 7. Đỏ Kim tinh |
8. Trắng Thổ tinh | 1. Trắng Thủy tinh | 6. Trắng Kim tinh |
* Xem thêm cuốn: Toán đồ học Ma phương trong nền văn minh nhân loại. NXB Văn hóa – Thông tin ( sẽ ra mắt độc giả vào năm 2001). Tiến sỹ NGUYỄN ĐỨC TRẠCH. BT…
Nếu kết hợp các số từ 1 đến 10 (10 Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và Tứ phương thì bảng trên biến thành bảng * sau:
| Bắc 1 – 6 Thủy - Đen | |
Tây 4 – 9 Trắng – Kim | Vàng 5 – 10 Trung cung – Thổ | Đông 3 – 8 Mộc – Xanh |
| Nam 2 – 7 Hỏa – Đỏ | |
* (Thực chất của hai bảng trên là Lạc thư, bảng dưới là Hà đồ mà tác giả đã nói tới ở cuối trang 9; độc giả cần xem thêm các trang 441, 442,443). B.T.
Đây là loại bàn cờ có 4 quân, 5 nước: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Trật tự Cửu tinh còn có thứ tự cơ bản sau:
1 Nhất bạch – Thủy – Khảm 2 Nhị hắc – Thổ - Khôn 3 Tam bích – Mộc – Chấn 4 Tứ lục – Mộc – Tốn | 5 Ngũ hoàng – Thổ - Trung cung 6 Lục bạch – Kim – Càn 7 Thất xích – Kim – Đoài 8 Bát bạch – Thổ - Cấn 9 Cửu tử - Hỏa - Ly |
Đặc biệt là 24 Tiết khí Trung Quốc là loại lịch phục vụ nông nghiệp, nó gắn liền với Dương lịch. Chúng ta phải nghiên cứu và xây dựng lấy Lịch Thời hậu Việt Nam cho phù hợp điều kiện thời tiết khí hậu của ta, vì vị trí địa lý Việt Nam khác với Trung Quốc. Ban lịch đã có bản thẩm định nêu rõ các điểm giống nhau và khác nhau giữa lịch Việt Nam và Trung Quốc trong Thế kỷ XX. Từ 0h ngày 1 – 1 – 2001, chúng ta bước vào Thế kỷ XXI, đồng thời cũng là sang Thiên niên kỷ mới. Năm 2000 là năm Giao thừa trung chuyển để chúng ta chuẩn bị chào đón Thiên niên kỷ thứ ba. Quyển lịch này tuy chỉ có 121 năm, nhưng rất quan trọng vì liên quan đến ba Thế kỷ và giúp độc giả tra cứu, xem được lịch chứa đựng thời khắc giao thừa 2 Thiên niên kỷ, đó là thời đại của chúng ta.
Tóm lại đây là cuốn Lịch vạn niên cho Can – Chi, lấy hệ Lịch Âm - Dương làm gốc đối chiếu Dương lịch, gắn với Âm -Dương, ngũ hành, Can – Chi, Ngũ sắc, Tứ phương, Tiết khí, Thái tuế và Nạp âm (cầm tinh 12 con vật: Tý , Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).
Chúng ta có thể phát hiện nhiều điều thú vị, mới mẻ qua cuốn lịch này, kết hợp với các lịch khác do Ban Lịch Nhà nước Việt Nam biên soạn và Nhà xuất bản tiến tới lần lượt cho ra mắt bạn đọc, nó sẽ giúp ích ít nhiều cho mỗi người và cho toàn xã hội. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn độc giả đã quan tâm đến cuốn lịch này.
Hà Nội, ngày 24 Tháng 10 năm 1999
BAN LỊCH NHÀ NƯỚC
TRƯỞNG BAN: TRỊNH TIẾN ĐIỀU